Chi viện kinh sư Tần_Lương_Ngọc

Năm Sùng Trinh thứ 3 (1630), Hoàng Thái Cực không vào được Du quan, bèn đưa 10 vạn quân tóc đuôi sam men theo Trường Thành, từ Hỉ Phong khẩu tiến vào, sau khi chiếm được Tuân Hóa, tiến đến phía ngoài thành Bắc Kinh, liên tiếp chiếm được 4 thành Vĩnh Bình, triều đình nhà Minh chấn động. Tần Lương Ngọc nhận được chiếu thư Cần vương, lập tức cất quân, ngày đêm lên đường, đến đóng quân ở Tuyên Vũ môn.

Khi ấy, các lộ quân Cần vương cả thảy có hơn 20 vạn, nhưng đều khiếp sợ quân đội Bát Kỳ của Mãn Châu, không ai dám đi đầu ra đánh. Bạch Can binh tuy chỉ có mấy ngàn, chẳng những không e dè người Mãn Châu, ngược lại quân Bát Kỳ nghe tiếng reo hò xung sát của Bạch Can binh, nhớ lại trận huyết chiến Hồn Hà thì khiếp vía. Hoàng Thái Cực vì chưa chiếm được Du quan, lo sợ bị cắt mất đường về, buộc phải lui quân.

Sau khi quân Hậu Kim ra khỏi Trường Thành, vua Sùng Trinh triệu kiến Tần Lương Ngọc ở Bình Đài, xuống chiếu khen ngợi, sắc phong Nhất phẩm phu nhân, gia phong Thiếu bảo, đeo ấn Trấn đông tướng quân; ban cho tiền, lụa và rượu ngự, rồi làm 4 bài thơ để biểu dương công lao của bà. Đây là vinh dự chưa từng có đối với một thủ lĩnh địa phương ở biên thùy tây nam trong lịch sử Trung Quốc. Tại ngõ Tứ Xuyên Doanh, Tuyên Vũ môn, Bắc Kinh ngày nay vẫn còn di chỉ nơi đóng quân của bà. Trên cửa có 12 chữ: "Thục nữ giới vĩ nhân Tần thiếu bảo trú binh di chỉ".

Năm Sùng Trinh thứ 6 (1633), bà từ kinh sư trở về, chuyên trách việc phòng vệ Xuyên Đông. Mã Tường Lân (con trai), Trương Phượng Nghi (con dâu), Tần Dực Minh (cháu trai) ở lại kinh sư.